logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Vai trò của tổ chức Công đoàn hỗ trợ người lao động (22/1/2022)

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 làn sóng thứ tư với biến chủng Delta siêu lây nhiễm đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó có sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, viên chức, người lao động. Trong khó khăn, thách thức đó, tổ chức Công đoàn đã khẳng định vai trò và năng lực thích ứng ra sao? Hỗ trợ đoàn viên thế nào? Đâu là những giải pháp mà tổ chức Công đoàn đặt ra để cùng với các Bộ, Ban, Ngành địa phương chăm lo tốt hơn nữa cho công nhân lao động khi có những tác động tiêu cực từ khách quan, từ dịch bệnh? Cao hơn nữa và mục tiêu chiến lược hơn là đưa giai cấp công nhân lớn mạnh trong tình hình mới?

Kho lưu trữ thực phẩm đầu tiên tại Việt Nam dành cho người yếu thế: Kết nối sự yêu thương (15/1/2022)

Khi tết đã cận kề, nhiều người đang tất bật công việc cuối năm thì vẫn có nhiều người đang miệt mài hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội. Một trong số đó là anh Nguyễn Tuấn Khởi ở tp HCM, người sáng lập và là Chủ tịch Ngân hàng Thực phẩm Food Bank Việt Nam. Trong tuần qua, anh và cộng sự của mình đã cho ra mắt kho lưu trữ thực phẩm đầu tiên tại Việt Nam với nhiệm vụ là cung cấp thực phẩm cho các đối tượng cần: Người khó khăn, người vô gia cư, người già neo đơn, trại trẻ mồ côi, các mái ấm, nhà mở, trẻ em khuyết tật, khu trọ nghèo, công nhân thất nghiệp, trẻ em, người khó khăn vùng sâu, vùng xa,.. Kho lưu trữ thực phẩm là nơi thu - nhận, phân loại và bảo quản thực phẩm đảm bảo chất lượng. Thực phẩm nhập về kho là nguồn thực phẩm được kết nối từ các doanh nghiệp, công ty thực phẩm, hệ thống các siêu thị, hộ nông dân, nhà hàng,...

Ngành du lịch chuyển mình sau thời gian dài “ngủ đông" (08/1/2022)

Sau gần 2 năm gần như đóng băng vì dịch covid 19, ngành du lịch đang có những tín hiệu hồi sinh. Đó là những sự kiện văn hóa, kích cầu du lịch sôi động trở lại ở một số địa phương từng là tâm điểm của dịch covid 19; là thí điểm mở lại du khách quốc tế ở 5 địa phương: Phú Quốc, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang và Quảng Ninh. Đặc biệt là từ ngày mùng 1 vừa qua, một số đường bay quốc tế được mở lại với thời gian cách ly y tế ngắn hơn, thủ tục thông thoáng hơn cho khách quốc tế. Những tín hiệu tích cực, dù ít ỏi đang cho thấy ngành du lịch đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Làm gì để ngành du lịch tận dụng cơ hội này để phục hồi, lấy lại sức vóc vốn có?

Nữ doanh nhân Vũ Ngọc Hương, người cải tạo, xây dựng 9 /16 bệnh viện dã chiến TP. HCM trong thời gian gần 20 ngày (01/01/2022)

Thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến; đưa các bệnh nhân vào từng tầng điều trị theo từng mức độ nặng - nhẹ; kết hợp với nâng cao hệ thống tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động hỗ trợ người dân F0 mới nhiễm bệnh là những yếu tố quan trọng giúp tp HCM chống đỡ đợt bùng phát dịch thứ 4 vừa qua. Kết quả là từ lúc cao điểm tp ghi nhận tới vài nghìn ca nhiễm mới và hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, hiện nay TP chỉ còn ghi nhận vài trăm ca nhiễm còn số ca tử vong giảm sâu. Vai trò của các lực lượng tuyến đầu y tế, công an, quân đội, các đội quân tình nguyện là rất lớn, nhưng bên cạnh đó còn có những “mạnh thường quân” đứng sau tiếp sức cả nguồn nhân lực, vật lực và kinh nghiệm quản trị để giúp thành phố và các ban ngành điều phối nhịp nhàng, góp phần không nhỏ để thành phố HCM vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Chương trình hôm nay sẽ trò chuyện với một trong những người như vậy.

Công đoàn: bạn tâm giao của công nhân, người lao động (25/12/2021)

Chỉ còn 1 tuần nữa, chúng ta sẽ bước sang năm mới 2022. Nhìn lại năm qua, có thể thấy đây là một năm đầy khó khăn và khắc nghiệt với nhiều công nhân và người lao động. Đã có hàng triệu người bị mất việc làm; hàng chục triệu người lao động khác công việc bị gián đoạn, thu nhập giảm, cuộc sống bị đảo lộn vì dịch covid 19. Nhưng trong khó khăn đã sáng lên tình yêu thương, đùm bọc, sự hỗ trợ, giúp đỡ của công đoàn và nhiều tổ chức đoàn thể. Cùng bàn luận chủ đề: Công đoàn: bạn tâm giao của công nhân, người lao động với khách mời là ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Câu chuyện thứ 7: Nhìn lại hành trình, những "trái ngọt" mà “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Việt Nam” gặt hái được (18/12/2021)

Sau 8 tháng triển khai, cuộc thi “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Việt Nam” đi đến chặng đường cuối. Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp 2 buổi công diễn và trao giải trên Kênh Thời sự VOV1, Kênh Âm nhạc thông tin giải trí VOV3, truyền hình trực tiếp trên VOVTV, VTC1, trực tuyến VOV.VN, VTCNOW. Nhân sự kiện này, câu chuyện thứ 7 cùng nhìn lại hành trình, cũng như những trái ngọt mà “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Việt Nam” đã gặt hái được.

Cơ chế nào giữ chân nhân viên y tế cơ sở (11/12/2021)

Y tế cơ sở là tuyến y tế gần nhất với người dân, đồng nghĩa với những áp lực đầu tiên trong dịch bệnh đè nặng lên vai. Chưa hết ám ảnh những cuộc gọi cấp cứu xuyên đêm trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại TP.HCM vừa qua, giờ đây, nhân viên các trạm y tế lại tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ khi số F0 gia tăng. Sự chịu đựng của họ đã gần chạm đến giới hạn, cần sớm được tiếp sức.
- Khách mời là bác sỹ Quan Thế Dân, đang làm việc tại bệnh viện tư nhân Trí Đức Thành cùng bàn luận làm rõ hơn vấn đề: "Cơ chế nào giữ chân nhân viên y tế cơ sở".

Bình đẳng giới trước phát ngôn của một bạn trẻ (04/12/2021)

Bạn đời không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc, phải có trình độ… thậm chí là “sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai”… đây là những tuyên bố của chàng trai gốc Huế về tiêu chí chọn người yêu trong một chương trình hẹn hò, khiến cộng đồng mạng đang bàn tán xôn xao. Nguyên nhân được giải thích là dòng tộc của chàng trai rất coi trọng con trai và muốn có cháu đích tôn nối dõi. Liên quan đến vấn đề này, chàng trai tâm sự rằng bản thân đồng ý với tư tưởng chuyện hệ trọng trong gia tộc “con trai là trụ cột, con gái chỉ ngồi mâm dưới”. Những phát ngôn của chàng trai khiến cho nhiều người khá bất ngờ, thậm chí là “sốc nặng”, tạo ra không ít cuộc tranh cãi trái chiều. Tại sao một chàng trai 9X, sống ở thế kỷ 21 – thời đại 4.0 mà lại có tư tưởng trọng nam khinh nữ như vậy, nhất là giữa bối cảnh xã hội hiện đại đang cố gắng phấn đấu hướng tới bình đẳng giới.

Xây nhà ở cho công nhân thuê, mua: an cư để lạc nghiệp (27/11/2021)

Hiện nay, cả nước có khoảng 4 triệu 800 nghìn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 70% đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây. Nhà trọ tạm bợ, diện tích nhỏ, thiếu các tiện ích tối thiểu, giá cả thuê trọ lại bấp bênh khiến công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy có tới hơn một nửa trong số này có nhu cầu về nhà ở ổn định để an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Thế nhưng các khu công nghiệp, các địa phương mới chỉ đáp ứng chỗ ở được khoảng 330.000 lao động.
- Con số này, một lần nữa nhắc lại những trì trệ trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân vốn đã được đặt ra từ lâu, trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Vấn đề này càng trở nên cấp bách sau đợt dịch covid 19 bùng phát vừa qua. Ông Lê Văn Nghĩa, Quyền Trưởng ban Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận về câu chuyện này.

Làm sao giảm bớt sự vất vả của các Thầy cô giáo trong mùa dịch (20/11/2021)

Để có thể duy trì tốt việc dạy - học trực tuyến trong mùa dịch là cả sự nỗ lực rất lớn của thầy và trò các bậc học trong suốt thời gian qua. Hơn ai hết, thầy cô là những người vất vả nhất. Họ vẫn đang miệt mài tự học hỏi, tự hoàn thiện những kỹ năng tương tác trong lớp học ảo, tự khắc phục những lỗi kĩ thuật trong quá trình dạy học trực tuyến vốn chưa được đào tạo kỹ lưỡng trong trường sư phạm.
Đồng thời cũng có nhiều giáo viên gặp không ít khó khăn, căng thẳng khi dạy học mùa dịch. Bởi vậy, khi đối diện với những tình huống sư phạm chưa từng có tiền lệ, nhiều giáo viên đã khó kiểm soát được cảm xúc. Từ đây đặt ra câu hỏi làm sao để giáo viên vơi bớt những khó khăn, áp lực tâm lý. Khách mời là TS Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và cô giáo Lê Thị Xuân Diễm, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Lê Quí Đôn, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre sẽ chia sẻ về việc Dạy học online này.

Vì sao nạn cờ bạc online nở rộ như vậy và đâu là giải pháp mạnh để ngăn chặn?(13/11/2021)

Chỉ trong thời gian ngắn, công an đã triệt phá nhiều đường dây đánh bạc trực tuyến trên mạng internet với giá trị giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi đường dây, thậm chí có đường dây lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Vì sao nạn cờ bạc trực tuyến lại nở rộ; liệu rằng Việt Nam có đang là vùng trũng của nạn cờ bạc xuyên quốc gia và đâu là giải pháp ngăn chặn hiệu quả? Câu chuyện ngày thứ 7 hôm nay chúng tôi bàn nội dung này với vị khách mời là chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu, Bộ Công an.

Có nên luật hóa đạo đức nghệ sĩ? (06/11/2021)

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 thảo luận về dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi, trong đó đề xuất: dừng chiếu phim nếu có diễn viên vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, đang nhận được sự quan tâm và ý kiến nhiều chiều của dư luận. Chủ đề “có nên luật hóa đạo đức nghệ sĩ?” sẽ được khách mời là phó giáo sư TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Đại biểu Quốc hội khóa 15 và nhà báo, nhiếp ảnh gia Việt Văn, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia bàn luận rõ hơn.

Cần chăm lo thể chất, tình cảm, đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân để họ vượt qua những stress trong đại dịch (30/10/2021)

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tính mạng, sinh kế của người dân, trong đó có một bộ phận lớn đoàn viên, người lao động. Tính đến nay đã có hơn 1,3 triệu công nhân phải ngừng, nghỉ, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; hàng chục triệu người lao động bị ảnh hưởng về sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống. Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, chúng ta đã giành được những thắng lợi bước đầu nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức. Cùng với việc nối lại sản xuất, giúp công nhân lao động có việc làm trở lại bình thường, có thu nhập, còn vấn đề đặt ra là: chăm lo thể chất, tình cảm, đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân để họ vượt qua những stress căng thẳng trong đại dịch.

Xử phạt “nhạc rác”: Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa” (16/10/2021)

Hiện nay giới trẻ đang lan truyền đoạn nhạc nền có lời lẽ phản cảm trên mạng xã hội Tiktok với hastag #muachoconchieccongtay (mua cho con chiếc còng tay) xuất hiện trên xu hướng nội dung nổi bật của mạng xã hội này. Đây là một đoạn lời trong ca khúc Censored của Chị Cả - tên thật là Đinh Thanh Tùng, thí sinh cuộc thi King of Rap. Bài rap có ca từ, nội dung được cho là phản cảm, dung tục. Mới đây, nhóm Rap Nhà Làm cũng gây bức xúc khi phát hành bài rap Thích ca mâu Chí có nhiều từ ngữ xúc phạm tôn giáo, xuyên tạc hình ảnh của Đức Phật.
Đây chỉ là hai ví dụ điển hình trong số nhiều ca khúc bị đánh giá nhảm, dung tục xuất hiện trên mạng trong thời gian qua. Điều đáng nói là thứ âm nhạc này đang len lỏi, xâm lấn vào đời sống với tốc độ chóng mặt “như một dịch bệnh”, tác động không nhỏ đến người nghe nhạc, nhất là giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Trong khi, cho đến bây giờ, các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài cụ thể trong việc xử lý vấn nạn “nhạc rác” trên các phương tiện.Cùng khách mời là nhà báo Nguyễn Mạnh Hà, chuyên viết về mảng âm nhạc của Báo Tiền Phong sẽ bàn luận rõ hơn về nội dung này.

Hà Nội: Chung cư cũ nát, bao giờ được thay mới? (9/10/2021)

Toàn thành phố Hà Nội có gần 1.600 chung cư cũ, trong đó có cả trăm tòa được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ trước, đều hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Đây là vấn đề nóng của thủ đô tồn tại nhiều năm nay. Nhưng vì nhiều lý do mà tiến độ cải tạo, xây mới các chung cư cũ đến nay vẫn rất chậm chạp.
Mới đây Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Kế hoạch cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Liệu đây có là cú hích để thay đổi hiện trạng chung cư cũ nát hiện nay trên địa bàn thủ đô? Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội kiến trúc sư Hà Nội bàn luận về câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: