logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Kịp thời giải quyết tồn tại chính sách đối với cựu thanh niên xung phong (27/4/2024)

Vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, vẫn còn cựu thanh niên xung phong và gia đình họ chưa được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa. Bên cạnh đó, những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách, chế độ đang xảy ra ở một số nơi đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội. Kịp thời giải quyết tồn tại chính sách đối với cựu thanh niên xung phong là nội dung chương trình Đối thoại với sự tham gia của ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên Xung phong và ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH.

Già hóa dân số và kiến nghị nguồn lực chất lượng cao (20/4/2024)

Theo cơ sở dữ liệu dân cư Bộ Công an, năm 2023 cả nước có hơn 16 triệu công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm hơn 15% số dân, trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là hơn 9,4 triệu người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là hơn 4,1 triệu người, còn lại là dân số từ 80 tuổi trở lên. Đáng lưu ý, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển kéo dài hàng trăm năm. Già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe cũng như nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi. Thực tế này đòi hỏi nhà nước cần thay đổi chính sách an sinh xã hội và chuẩn bị nguồn lao động để phù hợp với quá trình già hóa dân số. Các vị khách mời là bác sỹ Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Sức khỏe người cao tuổi, Cục Dân số, Bộ Y tế và TS Nguyễn Quốc Anh, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ cùng trao đổi về câu chuyện này.

Đề xuất hạ chuẩn trong tuyển dụng giáo viên: Chất lượng giảng dạy liệu có đảm bảo? (06/04/2024)

Đề xuất hạ chuẩn đào tạo giáo viên từ ĐH xuống CĐ để khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên một số môn học mới của Bộ GD-ĐT đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù được xác định chỉ là giải pháp tình thế, thực hiện từ nay đến hết năm 2028 nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên việc này vẫn khiến nhiều người lo ngại. Hạ chuẩn để có thêm nguồn tuyển, liệu có giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, nhất là trong bối cảnh hầu hết các trường Cao đẳng ở các địa phương đã đóng cửa hoặc sáp nhập khi Luật Giáo dục có hiệu lực? Khách mời: Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam; PGS TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội

Kết nối, chia sẻ, liên thông cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (30/03/2024)

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đặt ra. Tuy vậy, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu số vẫn chưa đạt được như mong muốn và người dân, doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận để thực hiện thủ tục hành chính. Vậy làm thế nào để đẩy mạnh công tác này? Đây là chủ đề được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với các vị khách mời: Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam.

Những điểm mới nổi bật trong Luật Đất đai sửa đổi và những kỳ vọng (16/3/2024)

Tại kỳ họp bất thường lần 5, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) (còn gọi là Luật Đất đai 2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và có nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ làm tăng tính thị trường, góp phần hài hòa lợi ích và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai Luật Đất đai 2024 là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy việc Luật Đất đai 2024 được thông qua lần này nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. “Những điểm mới nổi bật trong Luật Đất đai (sửa đổi) và những kỳ vọng” là chủ đề mà chúng tôi sẽ bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời:PGS TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội và Thạc sỹ Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản.

Chuyển đổi số trong cải cách hành chính dấu ấn 2023 và triển vọng 2024

Công cuộc chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính; giảm thời gian và chi phí từ ngân sách; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành điểm "Một cửa số" của quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, cung cấp hơn 4.590 dịch vụ công trực tuyến, (chiếm hơn 70% số lượng thủ tục hành chính). Tuy vậy, quá trình thực hiện chuyển đổi số vẫn còn những điểm nghẽn do cả yếu tố khách quan và chủ quan, khiến quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính gặp phải những trở ngại, vướng mắc cần tháo gỡ để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng tốt hơn, từ đó tạo nên những động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Đây là chủ đề chúng tôi đề cập trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời là ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, chuyên gia hỗ trợ dự án thuộc tổ chức USAID.

Người "ươm mầm" cho những "đóa hoa" nở muộn (23/1/2024)

Từ một nước đi sau khu vực về lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu khu vực về lĩnh vực này. Trong số 50 Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trong cả nước, có những cơ sở đi đầu trong ứng dụng những kỹ thuật mới, đồng hành cùng người bệnh qua nhiều hành trình để “ươm mầm” cho những “đóa hoa” nở muộn, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Để tìm hiểu về câu chuyện của những người “ươm mầm” này, trong chương trình Đối thoại, các vị khách mời là BS. CK I Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Ths. BS Vương Vũ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện cùng một số bệnh nhân sẽ cùng trò chuyện về nội dung này.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng ít nhất 10% số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong năm 2024 (13/01/2024)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết đặt ra là phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Mục tiêu này cũng tương đương mức dự báo của Tổng cục Thống kê mới đây. Theo đó, cơ quan này ước tính sẽ có thêm 230.500 doanh nghiệp gia nhập nền kinh tế năm 2024. Trong đó, 162.500 doanh nghiệp ra đời và 68.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 16%.
Vấn đề đặt ra ra là cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này? Đây là nội dung được phân tích, bàn luận trong chương trình đối thoại hôm nay với sự tham gia của ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương (05/12/2023)

Một trong ba vấn đề trọng tâm của Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, đó là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong bối cảnh tình hình mới có nhiều biến động, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng phức tạp từ thực tiễn cuộc sống, hệ thống pháp luật chịu những tác động gì và cần hoàn thiện như thế nào? Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, cơ quan “gác cổng” trong xây dựng và triển khai thi hành pháp luật cần được xác định như thế nào? Đây là nội dung được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời: Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

Gỡ điểm nghẽn để phát triển các tổ chức trung gian, từ đó thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam (28/11/2023)

Các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ (KHCN) thực hiện các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, được đánh giá là có vai trò quan trọng, có tính quyết định tới sự phát triển của thị trường, đặc biệt là đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Thế nhưng, hiện có tới 95% công nghệ được giao dịch-chuyển giao trực tiếp giữa bên cung và bên cầu công nghệ, và chỉ có 5% được thực hiện qua các sàn công nghệ/các tổ chức trung gian hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Thiếu các tổ chức trung gian đã và đang là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường KHCN ở Việt Nam phát triển chưa được như kỳ vọng. Vậy cần làm gì để thúc đẩy hình thành các tổ chức trung gian để từ đó phát triển thị trường KHCN? Rộng hơn, thị trường KHCN cần thêm những cú hích gì để phát triển như kỳ vọng? Những vấn đề này sẽ được các vị khách mời của chương trình ĐỐI THOẠI hôm nay đi sâu phân tích và bàn luận.
- Ông Phạm Đức Nghiệm- Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và công nghệ).
- Ông Nguyễn Đình Vinh- Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP Hải Phòng.
- Ông Đào Ngọc Nam- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Việt.

Cần thống nhất tư duy về Sách giáo khoa mới (11/11/2023)

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành 1,5 ngày để thảo luận về tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, nửa nhiệm kỳ vừa qua, kế hoạch năm 2024 và nửa cuối nhiệm kỳ. Bên cạnh việc mổ xẻ các vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ để hoàn thành các chỉ tiêu nền kinh tế cho năm nay và cả nhiệm kỳ, thì nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, nhất là vấn đề biên soạn và lựa chọn SGK trong giảng dạy của các trường. Xung quanh việc Bộ GD&ĐT có nên hay không phải biên soạn một bộ SGK trong bối cảnh hiện nay một lần nữa lại là vấn đề “nóng” Nghị trường, được nhiều đại biểu thảo luận, tranh luân sôi nổi. Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng đưa ra kiến nghị Bộ GD&ĐT cần biên soạn 1 bộ SGK để đảm bảo chất lượng.

Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ (04/11/2023)

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ngày 20/6/2012 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay cũng có nhiều thách thức và cần có sự đổi mới cũng như những giải pháp đột phá để nâng cao hơn hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Chương trình Đối thoại hôm nay bàn về nội dung này với sự tham gia của hai vị khách mời: Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Sốt xuất huyết, đậu màu khỉ lây lan: Những vấn đề đặt ra với công tác điều trị (14/10/2023)

Chỉ trong thời gian ngắn, khu vực phía Nam đã ghi nhận hàng chục ca mắc đậu mùa khỉ từ nguồn lây nội địa... Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết đang lây lan nhanh khi nhiều địa phương vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi tuần, trong đó có không ít ca nặng và tử vong. Vậy công tác điều trị cho bệnh nhân đậu mùa khỉ và sốt xuất huyết đang được triển khai như thế nào? Áp lực giảm ca bệnh nặng và tử vong do sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế đang ở mức nào? Trong chương trình Đối thoại, các vị khách mời là BC.CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, TS.BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, PV Đài TNVN thường trú tại TP Hồ Chí Minh cùng chuyên gia Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cùng thông tin, trao đổi về nội dung này.

Phân cấp, phân quyền tạo nền tảng để thủ đô Hà Nội bứt phá, phát triển (07/10/2023)

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới đây sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là dự án luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nền tảng pháp lý mở đường cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Vậy nhưng bài toán về phân cấp, phân quyền cần được giải quyết cụ thể như thế nào trong các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để thực sự tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội cũng như thực hiện trọng trách là Thủ đô của cả nước? Đây là chủ đề chúng tôi bàn luận trong chương trình Đối thoại với sự tham gia của hai vị khách mời. Tiến sỹ Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội và Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: “học gì, thi nấy”, thay vì “thi gì, học nấy” (30/09/2023)

Kỳ thi TN THPT năm 2024 vẫn giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, nhưng từ năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi. Đó là thông tin Bộ GD&ĐT cung cấp tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ Kỳ thi năm 2024 tổ chức mới đây tại Hà Nội. Phương hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhận được sự quan tâm lớn của xã hội vì đây là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Phương án tổ chức kỳ thi TN THPT từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT xác định với mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực. Những vấn đề về kỳ thi TN THPT từ năm 2025 đã trở nên cấp bách – không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn đối với nhân dân cả nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là tổ chức kỳ thi làm sao để vừa gọn nhẹ, vừa phát huy sở trường của học sinh, hơn hết là giảm áp lực học và thi.

Phát huy hiệu quả, khả năng to lớn của Người cao tuổi đóng góp vào sự phát triển của đất nước (23/09/2023)

Với tỷ trọng càng cao trong cơ cấu dân số, người cao tuổi ngày càng có một vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội. Họ không những là người chỉ đường, dẫn dắt thế hệ sau mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng. Người cao tuổi nước ta đã và đang thực sự là “vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam”. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 và tháng 10, "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam", Chương trình Đối thoại hôm nay bàn về chủ đề “Để phát huy hiệu quả khả năng to lớn của Người cao tuổi đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng xã hội”. Chương trình có sự tham gia của hai vị khách mời: Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá 15 và ông Nguyễn Túc, uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cần làm gì để Việt Nam có thêm các khu Ramsar mới? (16/09/2023)

Tính đến nay, nước ta đã quy hoạch và khoanh vi để thành lập được 47 khu bảo tồn đất ngập nước cũng như đề cử thành công 9 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là khu Ramsar) với tổng diện tích hơn 120 nghìn ha. Định hướng xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ tăng số lượng khu đất ngập nước được quốc tế công nhận lên 15 khu. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương chưa đánh giá đúng và phát huy được giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, còn tồn tại các xung đột trong việc hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn các vùng đất ngập nước. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên của vùng đất ngập nước. Vậy cần phải làm gì để Việt Nam có thêm các khu Ramsar mới? Đây là nội dung Chương trình Đối thoại ngày hôm nayvới sự tham gia của các vị khách mời: PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Chuyên gia cao cấp Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường; TS Trần Ngọc Cường, nguyên Trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cần làm gì để Việt Nam có thêm các khu Ramsar mới? (16/09/2023)

Tính đến nay, nước ta đã quy hoạch và khoanh vi để thành lập được 47 khu bảo tồn đất ngập nước cũng như đề cử thành công 9 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là khu Ramsar) với tổng diện tích hơn 120 nghìn ha. Định hướng xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ tăng số lượng khu đất ngập nước được quốc tế công nhận lên 15 khu. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương chưa đánh giá đúng và phát huy được giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, còn tồn tại các xung đột trong việc hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn các vùng đất ngập nước. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên của vùng đất ngập nước. Vậy cần phải làm gì để Việt Nam có thêm các khu Ramsar mới? Đây là nội dung Chương trình Đối thoại ngày hôm nayvới sự tham gia của các vị khách mời: PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Chuyên gia cao cấp Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường; TS Trần Ngọc Cường, nguyên Trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để không còn những cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ (09/9/2023)

Một con số được nêu ra trong Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ được UBND TP.HCM gửi Thanh tra Chính phủ ngày 31/8 vừa qua khiến dư luận rất quan tâm. Đó là đã phát hiện 668 cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Liệu rằng thực trạng này có diễn ra ở các địa phương khác hay không và cần có những giải pháp gì để khắc phục hiệu quả, để không còn những cán bộ né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đây là những vấn đề đang được người dân quan tâm và cũng là nội dung được chúng tôi bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của 2 vị khách mời: PGS-TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Mai Bộ, nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban quốc phòng và An ninh Quốc hội

Bảo tồn các vùng đất ngập nước – Ý thức từ cộng đồng (06/05/2023)

Khu vực đất ngập nước ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng và giá trị quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân cũng như đóng vai trò lớn trong đời sống văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, hiện các vùng đất ngập nước đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vậy làm thế nào để bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước? Đây là nội dung Chương trình Đối thoại ngày hôm nay

Để Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia thành công (26/08)

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, phục vụ lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai đề án có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030. Những lợi ích thiết thực của việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã phần nào được thể hiện trong cuộc sống. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Các bộ, ngành, địa phương đã thấy rõ tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, đem lại hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, quá trình triển khai còn gặp khó khăn, vướng mắc cần có thêm các giải pháp tháo gỡ. Để Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đạt thành công là chủ đề chúng tôi bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời là Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an và bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban 4 thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Làm gì để nâng cao hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam? (19/8/2023)

Trí thức Việt Nam- đội ngũ lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức. Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ chuyên môn, thì hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xác định là một trong những trách nhiệm quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Tuy vậy, ở giai đoạn mới, khi đất nước đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội thì hoạt động này cần tiếp tục được nâng cao- đúng như tinh thần của Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định là “Phải thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”. Vậy làm gì để nâng cao hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện của đổi ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam?- Đây là nội dung được đi sâu phân tích và bàn luận trong chương trình ĐỐI THOẠI hôm nay.

Giải pháp nào để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa? (12/8)

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp của nước ta, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, đóng góp gần 50% Tổng sản phẩn quốc nội (GDP), 31% tổng thu ngân sách Nhà nước... Với vai trò và tiềm năng phát triển, doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng hiện khu vực doanh nghiệp này vẫn gặp một số hạn chế cố hữu, đặc biệt tiếp cận vốn vay là một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy giải pháp nào để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa? Nội dung này được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời là ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Chẩn đoán di truyền và hỗ trợ sinh sản: Hiện thực hóa nhiều ước mơ! (29/7/2023)

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có đến 41.000 trẻ tại Việt Nam bị dị tật bẩm sinh như Down, Patau hay Edwards... Song song đó, các bệnh lặn đơn gen như rối loạn chuyển hóa đường galactose; phenylketon niệu; thiếu hụt men G6PD; tan máu bẩm sinh Thalassemia cũng khá phổ biến ở trẻ. Các bệnh lý di truyền nói trên là rất nguy hiểm, gây nhiều nỗi đau về tinh thần và gánh nặng kinh tế cho các gia đình có con mắc phải. Vì vậy, việc sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh di truyền, đặc biệt trong hỗ trợ sinh sản ngày càng quan trọng và cần được quan tâm. Với những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, lĩnh vực chẩn đoán di truyền và hỗ trợ sinh sản đang mang đến cơ hội sinh con khỏe mạnh cho hàng vạn cặp vợ chống vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam. Sự kết hợp này đang được thực hiện ra sao và mang lại những lợi ích gì cho hàng chục triệu người dân mang gen các bệnh lý di truyền, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam? Để tìm hiểu về những tiến bộ trong chẩn đoán di truyền và hỗ trợ sinh sản, trong chương trình Đối thoại, chúng tôi sẽ trao đổi để cùng vị khách mời trò chuyện về nội dung này.

Xét tuyển đại học bằng IELTS: “Tấm vé thông hành” còn nhiều bất cập (22/07/2023)

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, thí sinh còn ít ngày nữa để điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học. Năm nay, chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ IELTS tăng vượt trội so với các năm trước – với hơn 100 trường đại học trên cả nước xét tuyển. Điều này đã góp phần tạo ra một phong trào thi đua học tập tiếng Anh sôi nổi. Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh nhiệt tình khoe chứng chỉ IELTS của con như một tấm vé thông hành tiến thẳng vào các trường đại học hàng đầu. Có thể thấy, chứng chỉ IELTS không chỉ được biết đến là chứng chỉ để đi du học hay xin việc… mà còn đang được sử dụng như “tấm vé thông hành” vào các trường đại học. Tuy nhiên, việc các trường chuộng IELTS và thí sinh đổ xô săn chứng chỉ khiến nhiều người băn khoăn xét tuyển như vậy dễ dãi hay hợp thời đại? Hơn nữa, việc xét tuyển IELTS vào đại học cũng hé lộ nhiều bất cập.

Tự trọng để thoát nghèo và nâng chất nông thôn mới ở Quảng Ninh (18/7/2023)

Hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo để đạt tỷ lệ giảm nghèo cao và sớm nhất cả nước, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV và sớm hơn 3 năm yêu cầu của Trung ương. Đây là kết quả từ sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong hành trình giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới. Trong hành trình ấy, có rất nhiều câu chuyện với những cung bậc giàu cảm xúc về ý chí, nghị lực, về lòng tự trọng vươn lên của những hoàn cảnh khó khăn nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa của Quảng Ninh nói riêng. "Tự trọng để thoát nghèo và nâng chất nông thôn mới ở Quảng Ninh" cũng là chủ đề của chương trình hôm nay
Đồng hành cùng chương trình, xin trân trọng giới thiệu:
- Ông Nguyễn Minh Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Ninh
- Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, người có nhiều năm gắn bó và dành nhiều tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ông Hoàng Trọng Thủy sẽ tham gia với chương trình qua điện thoại
- Ông Lý Văn Diểng, người tiên phong và thành công khi thụ tinh nhân tạo giống gà Tiên Yên - một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của cả nước
- Anh Triệu Quay Phúc (người Dao ở thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ), một điển hình nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo

Lực đẩy để các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương được vận hành hiệu quả (15/07/23)

Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương là Thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, thành phố Hà Nội và mới đây nhất là Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Các Nghị quyết này là cơ sở pháp lý quan trọng, là đòn bẩy để các địa phương chủ động, tích cực, linh hoạt và năng động phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, làm nên đột phá, những cực tăng trưởng về kinh tế, xã hội của đất nước. Từ thành công của các Nghị quyết này cũng sẽ mở đường cho các cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội về sau. Khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các địa phương nhưng để các cơ chế, chính sách đặc thù này được triển khai, vận hành với hiệu quả thông qua các sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được, nhân dân được thụ hưởng thì cần có những lực đẩy nào, những yếu tố gì cần được kích hoạt để tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được mục tiêu đặt ra? Đây là chủ đề chúng tôi đề cập trong chương trình đối thoại hôm nay. Chương trình có sự tham gia của hai vị khách mời. Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong và Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.

Những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay (01/07)

Năm nay là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Nhìn lại khoảng thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay, điều dễ nhận thấy là mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19 nhưng đất nước ta vẫn đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đóng góp quan trọng vào những thành tựu đó có dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng thể chế trong Đảng, tiếp tục nâng cao năng lực cầm quyền và lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng có chất lượng cao. Chương trình Đối thoại hôm nay bàn luận về nội dung này với sự tham gia của hai vị khách mời là PGS-Tiến sỹ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tiến sỹ Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Giải pháp giảm ca nặng và tử vong do tay chân miệng! (24/6/2023)

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 13 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 7 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, dù số ca mắc chỉ bằng một nửa, song từ tháng 5 đến nay đã ghi nhận sự xuất hiện của virus EV71 có khả năng gây bệnh nặng và đều là nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong trong thời gian vừa qua Vậy giải pháp nào để giảm ca nặng và tử vong do bệnh tay chân miệng? Từ khối điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, các thầy thuốc có đề xuất, kiến nghị gì để tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân? Để tìm hiểu nội dung này, trong chương trình Đối thoại hôm nay, các vị khách mời sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

Phòng, chống ma túy quyết liệt, hiệu quả - Vì một cộng đồng sạch ma túy (17/06/2023)

Tệ nạn ma tuý ở nước ta diễn biến phức tạp, tính đến tháng 2/2023 cả nước có 191.410 người nghiện ma túy, 48.203 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng nói, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp bị rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, lo lắng, bất bình trong dư luận.
Tại cuộc gặp mặt, biểu dương 140 điển hình tiên tiến trong phong trào phòng chống ma túy toàn quốc vừa diễn ra vào ngày 14/6 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định: Đảng, Nhà nước ta nhất quán quan điểm – không khoan nhượng với tội phạm và tệ nạn ma túy.
“Phòng, chống ma túy quyết liệt, hiệu quả - Vì một cộng đồng sạch ma túy” là chủ đề chương trình Đối thoại hôm nay, với sự tham gia của Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (C04) và Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: